Nội dung:
Phần 1: Cách nhìn và phương pháp đánh giá
Phần 2: Cách làm du lịch của nước bạn (Nhật Bản - Hàn Quốc - Thái Lan)
Phần 3: Muốn làm người cộng sự cho du lịch Việt Nam
Phần 4: Kết luận
(Tác giả bài viết, Bà Lưu Thị Thanh Mẫu
Tổng giám đốc - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang
Phó Chủ tịch Thường trực - Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam)
Phần 1: Cách nhìn và phương pháp đánh giá
Bản thân tôi may mắn được đến với khóa học văn hóa do Học viện Matsushita (Nhật Bản) tổ chức hồi năm 2014, tôi được học rất nhiều về lịch sử, văn hóa, kinh tế tổng quan của Nhật Bản, hiểu được tinh thần võ sĩ đạo mến chuộng lòng tự trọng, quý thanh danh và nghĩ cho tập thể, cho đất nước hơn cả bản thân mình. Được mở rộng ngũ giác quan để thấu cảm giá trị của từ “đạo” trong văn hóa Nhật như trà đạo, hoa đạo, hương đạo, kiếm đạo, thấy được vẻ đẹp ẩn sâu đằng sau vườn bonsai hoặc chén trà matcha. Thông qua đó, tiếp thu được giá trị của từ HÒA - KÍNH - THANH - TỊNH trong cung cách ứng xử với thiên nhiên và với nhân sinh quan.
Sau này, chúng tôi may mắn được bắt tay liên doanh với tập đoàn Mitsubishi Nhật Bản, có thêm những người bạn quý, thông qua những chuyến vừa tham quan và kết hợp tìm cơ hội đầu tư, chúng tôi nhìn rõ hơn bức tranh đời sống văn hóa Nhật Bản, đặc biệt là bức tranh du lịch tuyệt vời của Nhật.
Tương tự như Nhật Bản, chúng tôi cũng đã nhiều lần sang Hàn Quốc, Thái Lan. Thông qua cách làm du lịch của các nước bạn, có thể thấy tính đoàn kết theo trục tung và hoành trong toàn dân từ trung ương đến địa phương, từ nhiều loại hình ngành nghề truyền thống, cách đầu tư cơ sở hạ tầng, cách truyền thông…đều giúp cho ngành du lịch thật nhiều năng lượng tích cực, tiềm năng luôn được hiển hiện dồi dào, khích lệ đáng kể. Năng lượng ấy dựa trên phương pháp khoa học AIDA đúng nghĩa trong ngành Marketing. Đó là một từ viết tắt mang 4 ý nghĩa, bao gồm tạo sự chú ý (Attention), quan tâm (Interest), mong muốn (Desire) và hành động (Action).
Khi được thực tế hóa thông qua các chuyến du lịch và công tác, tôi dùng phương pháp SO SÁNH VÀ ĐỐI CHIẾU để nghĩ ngợi về những cơ hội và tiềm năng về du lịch Việt Nam.
Phần 2: Cách làm du lịch của nước bạn (Nhật Bản - Hàn Quốc - Thái Lan)
Sản phẩm du lịch là sản phẩm đa dạng vừa mang yếu tố hữu hình, vô hình, là dịch vụ. Nên đòi hỏi yếu tố năng lực con người rất quan trọng. Tôi có thể thấy 3 yếu tố nổi bậc về tính cách con người khi làm du lịch thành công, đó là:
Nụ cười thân thiện: người bán hàng, anh kéo xe, nhân viên phục vụ luôn nở nụ cười rạng rỡ, chân thành. Có những quốc gia tiếng Anh của họ không mấy tốt lắm nhưng tôi hiểu và cảm nhận được sự chân thành nồng hậu.
Sự nhiệt tình: cách biết kiềm chế cảm xúc trong phục vụ, ứng phó với mọi thử thách xảy ra như kẹt xe, vì thời tiết, khách thất lạc, sự thiếu sót ngoài ý muốn vẫn luôn tỏ ra tính cảm thông, luôn đứng về khách hàng để giữ lửa của niềm vui hạnh phúc trong tour không bao giờ tắt. Họ luôn đưa ra những giải pháp tối ưu nhất để giúp đỡ khách du lịch, thậm chí có khi bị lạc đường, họ tận tình gọi tắt xi, hướng dẫn cách đi tàu, họ gửi số điện thoại của họ cho mình giữ phòng khi gặp sự cố thì gọi cho họ và sẵn sàng hỗ trợ.
Quốc gia tối thượng: tinh thần dân tộc luôn đong đầy, họ muốn chia sẻ với chúng ta nhiều điều hay ý đẹp về quốc gia của họ và họ cũng muốn biết về chúng ta. Chuyện thượng tôn pháp luật, chuyện cách ăn- nết ở luôn là sợi chỉ đỏ thắt chặt tình cảm của mọi người để được hiểu nhau hơn, lấp dần khoảng cách dân tộc và địa lý. Vì thế, bình đẳng, bác ái, tôn trọng văn hóa lẫn nhau là chìa khóa mở rộng tình cảm con người với nhau.
Ngoài yếu tố tính cách con người, yếu tố đoàn kết các thành phần trong xã hội cùng làm du lịch, mượn phương tiện du lịch để phát triển 3 vấn đề: MÔI TRƯỜNG - VĂN HÓA - KINH TẾ một cách độc đáo.
Nói về môi trường, có thể lấy một ví dụ về hòn đảo Nami, cách thủ đô Seoul (Hàn Quốc) 63 km về phía đông bắc, có diện tích là 430.000 m², đường kính khoảng 4 km. Từ một vùng hoang sơ hình thành liên quan đến con đập ngăn nước lũ sông Bắc Hán, từ thập niên 60 người ta cho phủ xanh bằng nhiều loại cây như bạch dương, thông, cây dẻ…xây dựng vườn bách thú và những khu vui chơi giải trí. Song song đó, kết hợp với hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận như YMCA và YWCA cũng tham gia các chiến dịch bảo vệ môi trường như tái chế rác, giám sát môi trường và phát triển thân thiện với môi trường. Namisum cũng hỗ trợ nhiều sự kiện từ vẽ tranh đến nghệ thuật ứng dụng dưới hình thức hợp tác với nhà văn và các tổ chức quốc tế như UNICEF và UNESCO. Đặc biệt Từ năm 2001, đảo Nami trở thành một trong những điểm tham quan hút khách du lịch châu Á nhờ sự thành công của phim Bản tình ca mùa đông khi có cảnh quay phim tại đây. Rất bất ngờ là có hàng ngàn du khách đến đây mỗi ngày, di chuyển từ tất liền bằng chuyến phà hình thủy lôi với quốc kỳ từ nhiều quốc gia được treo ở đây.
Văn hóa nguồn cội, kết hợp truyền thống và hiện đại song hành là cách làm rất độc đáo, nhân văn. Nhật Bản đã sản xuất được ô tô từ thập niên 20 của thế kỷ XX nhưng đến nay vẫn còn nhiều xe kéo bằng sức người chạy bộ rất dễ thương, luôn mỉm cười thân thiện, giỏi ngoại ngữ, hiểu rõ văn hóa từng những cung đường để chia sẻ cho du khách hài lòng.
Khi sang du lịch Thái Lan, hầu như khách du lịch ai ai cũng ấm lòng khi được biết ngành du lịch có sự đồng hành hỗ trợ của đức vua. Có nghĩa là dịch vụ, cơ sở lưu trú, món ăn ẩm thực, điểm đến văn hóa luôn có năng lượng đoàn kết mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương giúp cho sản phẩm không chỉ có giá trị chất lượng mà còn có cả giá trị tinh thần.
Tôi từng lang thang dưới những cung đường ở nhiều thành phố khác nhau của Nhật Bản để nhìn chăm chú, săm soi từng họa tiết trên nắp cống của Nhật, mỗi thành phố là có biểu tượng riêng, biểu tượng đó nhắc cho chúng ta câu chuyện lịch sử, nhắc về tinh thần tự hào hoặc một thông điệp cuộc sống tuyệt vời. Ví dụ như ở Tokyo, người ta làm nắp cống với họa tiết hình chiếc lá bạch quả vì bạch quả là loài cây tượng trưng sự trường tồn, mạnh mẽ.
Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan khi đạt được nhiều thành tựu là điểm đến du lịch hấp dẫn, họ cũng đã đưa ra kết luận là du lịch chính là nền kinh tế mũi nhọn, góp phần tăng trưởng GDP quốc gia nhưng cũng làm cho thắp sáng mọi mặt đời sống, tăng thêm niềm vui, tăng thêm sinh khí phát triển. Góp phần cho dân trí được mở mang khi có thêm nhiều cơ hội mở ra cánh cửa để học tập, giao lưu phát triển đầu tư. Từ đó, du lịch không đơn thuần là du lịch văn hóa, mà đa dạng thêm hình thức như du lịch chữa bệnh, du lịch sinh thái, du lịch mua sắm, du lịch tâm linh, du lịch làm đẹp, du lịch MICE…
Phần 3: Muốn làm người cộng sự cho du lịch Việt Nam
Tại tập đoàn Phuc Khang Corporation, ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi đưa ra Sứ mệnh, đó là: “Tiên phong và thúc đẩy việc kiến tạo phong cách sống tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái nhân văn bền vững theo chuẩn mực xanh toàn cầu”. Cho nên, trong mọi dự án của tập đoàn đều mong muốn trong tương lai luôn phải tìm cơ hội đồng hành phát triển du lịch Việt Nam. Mặc dù làm đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản nhưng thường xuyên tổ chức nhiều khóa học về văn hóa Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, phát triển bền vững… do các giảng viên người nước ngoài, chuyên gia văn hóa, các giảng viên hiện là những tiến sĩ khoa học. Chúng tôi nhận ra Việt Nam có nhiều ưu thế để phát triển kinh tế du lịch, luôn thôi thúc chúng tôi làm du lịch vì lòng yêu nước. Điều đó có thể thấy những niềm năng thế mạnh của du lịch Việt Nam như:
1. Thế mạnh về thiên nhiên thắng cảnh:
Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển du lịch khi có một vị trí thuận lợi về địa lý, khí hậu và điều kiện tự nhiên, bao gồm cả một đường bờ biển dài hơn 3.000 km dọc theo nước với rừng cây xanh và cảnh quan hùng vĩ. Các bãi biển tại Việt Nam nằm trong danh sách 12 quốc gia hàng đầu cho những vịnh đẹp nhất trên thế giới.
Đặc biệt, Việt Nam có 3 di sản thiên nhiên thế giới là vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và quần thể danh thắng Tràng An đều là những danh thắng có những hang động nổi tiếng.
Với xu hướng du lịch khám phá, trải nghiệm Việt Nam có nhiều ưu điểm thuận lợi để phát triển mũi nhọn này khi có 33 vườn quốc gia sở hữu tài nguyên rừng, thảm thực vật, động vật quý hiếm, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ tạo nên sức hút rất riêng. Các vườn quốc gia gồm có: Ba Bể, Bái Tử Long, Hoàng Liên, Tam Đảo, Xuân Sơn, Ba Vì, Cát Bà, Cúc Phương, Xuân Thủy, Bạch Mã, Bến En, Phong Nha-Kẻ Bàng, Pù Mát, Vũ Quang, Bidoup Núi Bà, Chư Mom Ray, Chư Yang Sin, Kon Ka Kinh, Yok Đôn, Côn Đảo, Lò Gò-Xa Mát, Mũi Cà Mau, Núi Chúa, Phú Quốc, Phước Bình, Tràm Chim, U Minh Hạ, U Minh Thượng, Tà Đùng.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu về nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe Việt Nam có 400 nguồn nước nóng từ 40-120 độ. Nhiều suối có hạ tầng xây dựng khá tốt như: Suối nước nóng thiên nhiên Đam Rông, Lâm Đồng; suối nước nóng Kim Bôi Hòa Bình, suối nước nóng Bình Châu Bà Rịa-Vũng Tàu, suối nước nóng Kênh Gà, Ninh Bình, suối nước nóng Quang Hanh Quảng Ninh, suối nước nóng Thanh Thủy - Phú Thọ.
2. Di tích lịch sử:
Với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, hiện nay Việt Nam vẫn còn nhiều di tích lịch sử lưu lại và rất nổi tiếng. Trong đó, có hàng ngàn di tích, thắng cảnh được xếp hạng di tích quốc gia gồm di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, di tích thắng cảnh… Nhiều di sản trong số đó đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới tại Việt Nam.
Tính đến năm 2020, Việt Nam có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh với hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
Việt Nam hiện có 112 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó, có thể kể đến: Cố đô Hoa Lư, Di tích Pác Bó, Dinh Độc Lập, Hoàng thành Thăng Long, Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu di tích ATK Thái Nguyên, Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, Khu di tích Kim Liên, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Khu di tích Tân Trào, Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng, Nhà tù Côn Đảo, Quần thể di tích Cố đô Huế, Thành nhà Hồ, Thánh địa Mỹ Sơn, Thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long, Đô thị cổ Hội An và Đền Hùng.
Việt Nam có 8 dự trữ sinh quyển thế giới trong đó bao gồm Rừng ngập mặn Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), đảo Cát Bà (Hải Phòng), Đồng bằng sông Hồng, biển và bờ biển Kiên Giang, Cù Lao Chàm-Hội An, Mũi Cà Mau, Tây Nghệ An, Đồng Nai và Khu dự trữ sinh quyển Langbiang.
3. Di sản vật thể và phi vật thể:
Bên cạnh các di sản vật thể, Việt Nam còn có cả các di sản phi vật thể nổi tiếng. Hiện có 13 di sản văn hóa phi vật thể trên thế giới tại Việt Nam như Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, Quan họ, Ca trù, Hội Gióng, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Tín ngưỡng thờ Mẫu, Đờn ca tài tử, Kéo co, Nghệ thuật Bài Chòi, Thực hành then Tày - Nùng - Thái.
Chưa kể, văn hóa Việt Nam Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng về văn hoá, phong tục tập quán và lối sống riêng. Ngành du lịch và các địa phương đã nỗ lực xây dựng được một số điểm du lịch độc đáo, như du lịch cộng đồng Sa Pa, du lịch Bản Lác ở Mai Châu...
Sự ra đời và phát triển của sân khấu dân gian Việt Nam gắn liền với đời sống nông nghiệp, múa rối nước là nghệ thuật dân gian của người nông dân làm ruộng nước ở vùng châu thổ sông Hồng, thường được biểu diễn trong dịp hội hè, những lúc nông nhàn, múa rối nước là một nghệ thuật tổng hòa giữa các nghệ thuật điêu khắc, sơn mài, âm nhạc, hội họa và văn học. Cùng với múa rối nước là các môn nghệ thuật hát chèo, tuồng, cải lương góp phần làm phong phú nền sân khấu cổ truyền Việt Nam.
Phần 4: Kết luận
Ngành du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển, trong đó tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên, thắng cảnh thiên nhiên, di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được thế giới công nhận. Đồng thời, các ngành dịch vụ phục vụ cho du lịch cũng được nhà nước quan tâm, hỗ trợ, đầu tư cho ngành du lịch phát triển thuận lợi. Những lợi thế trên giúp Du lịch luôn là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn để mang về nguồn lợi khổng lồ cho đất nước hàng năm.
Ngoài ra Việt Nam còn sở hữu những bãi biển đẹp nhất hành tinh, các phong tục tập quán độc đáo, những món ăn ngon, đặc sản hay những làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời. Tất cả tạo nên ngành Du lịch Việt Nam rất riêng trong mắt du khách quốc tế.
Không chỉ duy trì và bảo tồn nét văn hoá, thiên nhiên sẵn có ngành Du lịch được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, giúp du khách thuận lợi hơn để có được những trải nghiệm tuyệt vời nhất. Mỗi năm, Nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng để xây đường sá, nâng cấp hệ thống giao thông, bên cạnh nhiều công trình nhà hàng, khách sạn, khu du lịch tiếp tục được xây dựng và đưa vào sử dụng.
Nhiều chính sách phát triển về du lịch được Đảng và Nhà nước ban hành; trong đó có rất nhiều chính sách đưa ra nhằm khuyến khích đầu tư, phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế đến tham quan và nghỉ dưỡng.
Thông qua cách làm của nước bạn, chúng ta chỉ cần tổ chức mở rộng nhiều hoạt động truyền bá toàn ngành, toàn dân cùng làm để các ban ngành đoàn thể từ trung ương đến địa phương có sự điều chỉnh cách xây dựng và kế hoạch mang yếu tố nâng đỡ, giúp đỡ cho du lịch. Trong đó, vai trò của ngành giao thông, người làm văn hóa, nghề truyền thống, cơ sở lưu trú, thiết kế đô thị, ẩm thực, nghệ thuật…giữ nhiệm vụ và trọng trách không nhỏ.
Comments