top of page

TIỀN CHẠY ĐI ĐÂU?

Có người nói tiền dân đang cất giữ nhiều. Có thật là như vậy? Dưới đây là bài phân tích của Anh Thân Thanh Vũ

(Anh Thân Thanh Vũ - Sáng lập viên, Phó Chủ tịch TT VnTPA)


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành ra thị trường 100đ (số tượng trưng cho 100 triệu ... tỷ). Nếu nền kinh tế chạy tốt thì 100đ này mỗi ngày quây tới lui từ tiêu dùng qua sản xuất - dịch vụ - bất động sản - xây dựng - du lịch - xuất nhập khẩu - chứng khoán - .v.v... 10 vòng thì 100đ thành 1.000đ và mỗi năm thành hàng ngàn lần nhân lên.


Rồi NHNN có công thức để bơm thêm lượng tiền mặt ra thị trường để đáp ứng các giao dịch tăng lên mỗi ngày và lượng hàng hoá, dịch vụ được sản xuất thêm trong khi vẫn đảm bảo kiềm chế lạm phát. Doanh nghiệp, người dân, nhà nhà ai cũng vui vẻ vì túi ai lúc nào cũng rủng rẻn tiền vào ra, việc làm nhiều, sung túc.


Một ngày xui xẻo, có một hay nhiều biến cố bất ổn xảy ra, ví dụ như con Covid xuất hiện, rồi đến chiến tranh Nga - Ukraine, thế giới náo loạn, giao dịch ngưng trệ, ảnh hưởng đến Việt Nam.


Trước đây ngày nào cũng có giao dịch nhưng giờ cả tuần, cả tháng mới có lác đác vài deal, hàng tồn kho nằm chất đống, sản xuất & lưu thông hàng hóa / dịch vụ ngưng trệ, .... Thế là tiền bằng cách này, cách kia bị hút về ngân hàng thương mại (NHTM) rồi về NHNN, một số sẽ được đổi qua vàng hay ngoại tệ mạnh như USD.


Giống như công ty của bạn, ban đầu bạn đầu tư 100đ (hay 100 tỷ) để kinh doanh, bạn mua mua bán bán mỗi năm thành 10.000 tỷ.


Giờ ko có giao dịch nào thì bạn phải móc tiền trong bóp 100đ (chỉ còn 30đ vì 70đ đang nằm tồn kho) để trả tiền nhà, lương, nợ ngân hàng, .v.v...; rồi đến lượt chủ nhà và nhân viên cũng trả nợ vay mua nhà, mua xe, .v.v....


Tình hình trì trệ kéo dài, tới ngày bạn cụt vốn và đứng hình. Nhân viên, nhà cung cấp của bạn cũng đứng hình, tài sản của bạn đứng hình & thành nợ xấu, ngân hàng ôm đống tài sản đứng hình.


Ngân hàng thu tiền vô và cũng phải trả nợ, lãi vay / tiền gửi, nhưng cho vay ra khó hơn vì lãi suất cao và vì giao dịch mua bán, đầu tư không còn nhiều. Ngân hàng ôm một đống tài sản thế chấp và mỗi năm tính lãi trên sổ sách.


Tình hình kéo dài thì cũng tới ngày ngân hàng mất thanh khoản nên phải rao bán các tài sản thế chấp nợ xấu ra thị trường. Có rất nhiều tình huống mà ngân hàng rao bán tài sản nhiều lần, lần sau giảm giá hơn lần trước nhưng vẫn không bán được. Ngân hàng không thể giảm giá tẹt ga vì lúc đó sẽ ảnh hưởng xấu tới Bảng cân đối Tài chính và toàn bộ giá trị sổ sách của các tài sản mà ngân hàng đang nắm giữ, và cũng vì bị ràng buộc bởi nhiều quy định. Tới lúc kẹt quá thì NHTM phải bán cho NHNN (qua công ty quản lý nợ như VAMC) hoặc bị sáp nhập.


Vậy đó, giờ chỉ còn hợp đồng nợ và tài sản đứng hình. Nền kinh tế èo uột, giao dịch không có thì NHNN sử dụng các kỹ thuật, nghiệp vụ để hút lượng cung tiền về chứ không sẽ dễ rơi vào lạm phát phi mã.


Chính phủ nhìn thấy tình hình bi đát quá thì đẩy mạnh đầu tư công để kích hoạt lại nền kinh tế. Nhưng hiện nay đầu tư công giải ngân cũng chậm do vướng nhiều thủ tục đang chéo nhau và do nhiều cán bộ sợ trách nhiệm. Chính phủ gần đây có kế hoạch giảm thuế VAT cho nửa cuối năm 2023 để thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên việc giảm thuế VAT này vẫn còn đang thảo luận vì Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội sợ rằng việc giảm thuế VAT sẽ làm giảm thu ngân sách, gây thâm thủng ngân sách thêm trầm trọng.


Bồi thêm xuất nhập khẩu suy giảm do các thị trường chính của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... cũng đang suy giảm, vốn đầu tư nước ngoài FDI tuột dốc, thì tình hình trì trệ hiện nay có thể kéo dài lâu hơn.


Anh Thân Thanh Vũ tốt nghiệp Đại học Kinh tế Tp,HCM, khoa Ngoại thương. Anh là cố vấn của nhiều tập đoàn lớn như Sumitomo Corp., Haseko Corp., Taisei Corp., .v.v... Anh là sáng lập viên VnTPA từ 2007 và hiện giữ chức vụ Phó Chủ tịch TT. kiêm Chủ tịch VnTPA Golf Club.
Hội rất mong có nhiều bài viết phân tích về kinh tế từ các chuyên gia để hội viên có nhiều góc nhìn về tình hình kinh tế hiện nay.

Xem thêm:


Ban Văn Phòng VnTPA

(Liên hệ hợp tác với các tập đoàn đầu tư BĐS nhà ở lớn nhất Nhật Bản: Ms Ajisai Le - 0829999000 / ajisai.le@saokhuegroup.net)

bottom of page