top of page

FED tăng lãi suất ảnh hưởng gì tới ngành BĐS Việt Nam?

Updated: May 24, 2023

và ảnh hưởng gì tới nền kinh tế Việt Nam nói chung?

(Ông Jerome Powell - Chủ tịch FED, Cục dự trữ liên bang Mỹ. (Ảnh: CNBC))


Trong thời gian gần đây, cụm từ “FED tăng lãi suất” xuất hiện nhiều trên báo chí. FED hay nêu lý do là việc tăng lãi suất nhằm kiểm soát tình hình lạm phát trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên tác động của nó sẽ như thế nào tới các quốc gia khác, chẳng hạn như Việt Nam?


Việc FED tăng lãi suất ảnh hưởng gì tới Việt Nam?


Việc Cục dự trữ Liên bang tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu. Việt Nam là một phần trong các quốc gia bị ảnh hưởng bởi sự điều chỉnh này.


Những tác động sẽ xảy ra với nền kinh tế Việt Nam nói chung:

  • Tỷ giá USD/VND tăng lên. Lãi suất FED tăng dẫn đến mọi người bán VND mua USD vì lãi suất USD cao hơn (trường hợp NHNN chưa tăng lãi suất điều hành). Tỷ giá cao sẽ khiến xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm do giá tăng cao, gây khó khăn trong cung ứng hàng hóa nguyên liệu. NHNN phải có biện pháp nhằm giảm áp lực về tỷ giá.

  • Nợ công tăng lên. Các khoản nợ nước ngoài đa phần đều phải thanh toán bằng USD; lãi suất FED tăng khiến khoản nợ tăng theo tỷ giá và lãi suất USD. Gây ảnh hưởng đến cán cân thu chi của Chính phủ.

  • Lãi suất điều hành tăng lên. Lãi suất FED tăng làm đồng USD hấp dẫn hơn với nhà đầu tư, đồng tiền nội địa mất sức hấp dẫn. Trước tình hình đó, NHNN tăng lãi suất điều hành nhằm giữ ổn định tỷ giá cũng như kiểm soát lạm phát.

  • Nhu cầu mua hàng xuất khẩu từ Việt Nam của các quốc gia khác giảm. Do lãi suất FED tăng, người dân cũng như doanh nghiệp nước ngoài thắt chặt chi tiêu, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng hàng hóa giảm, sẽ là khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu.

Đối với thị trường chứng khoán:

Khi FED tăng lãi suất sẽ gây ra những tác động khác nhau đến thị trường chứng khoán như:

  • Dòng vốn ngoại giảm: Lãi suất FED tăng khiến dòng vốn các nhà đầu tư từ các quốc gia rút dòng tiền từ thị trường chứng khoán Việt Nam sang Mỹ; nhằm tránh các rủi ro cũng như lợi suất hấp dẫn hơn.

  • Áp lực lãi suất tăng: Lãi suất điều hành từ NHNN tăng khiến lãi suất cho vay tăng. Riêng lãi suất cho vay đầu tư các tài sản rủi ro sẽ ít được giải ngân hoặc lãi suất rất cao.


Có thể thấy rõ là gần đây lãi suất liên ngân hàng ở Việt Nam tăng vọt chóng mặt. Các ngân hàng cũng đua nhau tăng lãi suất huy động đồng thời tăng lãi suất cho vay lên rất cao.


Lãi suất tăng, TTCK ảm đạm, vốn ngoại chuyển hướng khác cùng với sức cầu bất động sản (BĐS) yếu, tồn kho tăng cao sẽ tác động bồi thêm vào gánh nặng cho các doanh nghiệp BĐS tại Việt Nam. Đã nhiều lần Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hỗ trợ ngành BĐS. Tuy nhiên bản thân NHNN cũng đang chịu nhiều áp lực tứ phía và khả năng đưa ra gói hỗ trợ mới có tác động mạnh để giải cứu ngành BĐS là rất ít hy vọng.


Cũng như nhiều lần trước Hội Bất Động Sản Du Lịch Việt Nam (VnTPA) đề xuất Chính phủ, thì nay vẫn kiến nghị như trước: Chính phủ nhanh chóng có các quyết sách và cải thiện các quy định pháp luật để việc thực hiện, triển khai, hoàn thiện 1 dự án BĐS được thông thoáng và nhanh chóng hơn, giảm áp lực chi phí và thời gian cho doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cho các tuyến đường cao tốc và các hạng mục hạ tầng giao thông quan trọng để kết nối các vùng miền.


Thân Thanh Vũ

Sáng lập viên, Phó Chủ tịch TT VnTPA


Ban Văn Phòng VnTPA

(Liên hệ hợp tác với các tập đoàn đầu tư BĐS nhà ở lớn nhất Nhật Bản: Ms Ajisai Le - 0829999000 / ajisai.le@saokhuegroup.net)




bottom of page