top of page

Dự án bất động sản giăng mắc vì rừng luật

Nhiều dự án bất động sản vướng mắc pháp lý nhưng các cơ quan có thẩm quyền “ngại” trách nhiệm, trì hoãn, đùn đẩy, ... dẫn đến dự án chậm hoặc dừng triển khai thực hiện.

(hình 1 hội nghị của VnTPA)


Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ trước thềm hội nghị "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững", được tổ chức với sự chủ trì của Thủ tướng hôm nay 17/2/2023, cũng đã nêu ra thực trạng này.


Báo cáo chỉ ra loạt khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, pháp luật về đầu tư và đấu thầu trong thực hiện các dự án bất động sản.


Đó là việc thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư gặp phải những vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.


Trong đó, Luật đất đai chưa làm rõ trường hợp nào thuộc diện đấu giá quyền sử dụng đất nếu không đáp ứng điều kiện để đấu giá.


Luật không quy định việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất (bao gồm dự án nhà ở, khu đô thị) để phân định với các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản công trên đất.


“Do thiếu hướng dẫn để thực hiện đồng bộ các quy định trên dẫn đến vướng mắc trong lựa chọn nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc diện phải đấu giá, hoặc đấu thầu, dự án có đất đã giải phóng mặt bằng xen lẫn với đất chưa giải phóng mặt bằng, dự án có tài sản công…”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.

(thủ tục chồng chéo, gây thời gian kéo dài, lãng phí nguồn lực, tăng chi phí phát triển dự án)


Ngoài ra, Luật nhà ở cũng quy định tất cả các dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không có một phần diện tích đất ở thì không được chấp thuận làm nhà ở thương mại.


Đây là vướng mắc của các chủ đầu tư khi thực hiện các dự án này.


Ngoài ra, việc điều chỉnh chủ trương, dự án đầu tư, chuyển nhượng dự án cũng gặp vướng mắc. Đơn cử việc điều chỉnh dự án, thực tế triển khai các dự án chuyển tiếp trong thời gian dài, áp dụng trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định của các luật khác nhau.


Đến nay, nhiều quy định pháp luật liên quan đã được sửa đổi, bổ sung. Tuy vậy, việc triển khai phát sinh nhiều tình huống khác nhau liên quan đến điều chỉnh dự án mà chưa được pháp luật quy định cụ thể dẫn đến vướng mắc.


Từ thực tế trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay đã có rất nhiều cơ quan có thẩm quyền ở địa phương và các doanh nghiệp gửi văn bản tới bộ xin tháo gỡ. Bao gồm các vấn đề như trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư.


Đặc biệt các dự án đã được đầu tư trong thời gian dài trước đó, có vấn đề về pháp lý.


“Nhiều hồ sơ được xử lý quá lâu, qua nhiều cấp lãnh đạo địa phương ở các thời kỳ quyết định. Dù có hoặc không có vướng mắc pháp lý nhưng các cơ quan có thẩm quyền xử lý “ngại” trách nhiệm, trì hoãn, đùn đẩy lên trung ương, xin ý kiến nhiều nơi, nhiều lần dẫn đến dự án chậm hoặc dừng triển khai thực hiện”, báo cáo nêu.


Từ những bất cập trên, Chính phủ đã chỉ đạo đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và Luật đấu thầu (sửa đổi).


Theo đó, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sẽ phân định và quy định cụ thể các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đang phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định này đảm bảo đồng bộ, tránh mâu thuẫn, chồng chéo.


Đồng thời hoàn thiện dự án Luật đấu thầu (sửa đổi), với nội dung về lựa chọn nhà đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư và chuyển nhượng dự án trên cơ sở được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, nhà đầu tư có năng lực tài chính, cam kết kế thừa các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng.


(Tổng hợp)


Ban Văn Phòng VnTPA


bottom of page