Nói với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Thân Thành Vũ, Phó chủ tịch Hội bất động sản du lịch Việt Nam (VnTPA), cho rằng có ba rào cản cần phải phá bỏ để golf tiếp tục phát triển.
Ông Thân Thành Vũ - Sáng lập viên, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký VnTPA
Nhìn đúng về Golf
Ông Vũ cho biết, cho đến tận bây giờ, golf vẫn đang nằm trong sự tranh cãi giữa hai luồng quan điểm trái ngược. Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng golf ảnh hưởng xấu tới sản xuất khi lấy đi nhiều diện tích đất rừng, đất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), làm nông dân mất sinh kế, đặc biệt là gây tổn hại cho môi trường tự nhiên (đất, nước) do sử dụng nhiều hóa chất độc hại. Luồng quan điểm thứ hai khẳng định rằng golf không gây hại cho sản xuất và đời sống. Ngược lại, golf còn giúp cải tạo môi trường, làm gia tăng lợi ích cho những vùng đất hoang hóa, kém giá trị kinh tế và cải thiện đáng kể thu nhập của người dân địa phương.
Với tư cách là người quan sát và nghiên cứu về golf, ông Vũ khẳng định golf thực sự mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và môi trường. Đơn cử những vùng đất hoang tại Bình Thuận, nhờ phát triển golf mà được phủ xanh, chống nạn cát bay, tạo ra cảnh quan xinh đẹp, thu hút du khách, mang lại giá trị không nhỏ đồng thời giải quyết công ăn việc làm với thu nhập trung bình khá cho hàng trăm, hàng nghìn lao động địa phương.
“Khác với thời kỳ sơ khai, công nghệ làm sân golf ngày nay đã cải tiến vượt bậc, từ chăm sóc cỏ đến hệ thống tưới tiêu, đều không gây hại cho môi trường. Ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, khá nhiều nghiên cứu đã được thực hiện về tác động của sân golf và cho thấy golf thân thiện với môi trường. Nhật Bản là đảo quốc, rất nhạy cảm và luôn bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, vậy mà họ có hàng nghìn sân. Nếu golf gây hại, sao người Nhật lại làm nhiều như vậy?”, ông Vũ nêu quan điểm và nhấn mạnh: “Sân golf thực sự có khả năng cải tạo các khu vực khô cằn, không có giá trị hoặc giá trị kinh tế rất thấp. Tất nhiên, chúng tôi phản đối việc làm sân golf ở rừng nguyên sinh, khu bảo tồn thiên nhiên hay đất hai lúa đã nằm trong quy hoạch để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”.
Như vậy có thể thấy, rào cản đầu tiên cần được gỡ bỏ để golf phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam chính là rào cản tư duy. Những cái nhìn định kiến, thiên lệch về golf chẳng những không giúp bảo vệ môi trường mà còn khiến đất đai không được khai thác hết tiềm năng, bỏ lỡ cơ hội làm giàu, vốn đã được chứng minh tại hàng chục quốc gia phát triển trên thế giới.
Bài toán giao thông và thuế
Theo ông Vũ, với giới chơi golf, việc trải nghiệm tại các sân golf khác nhau là điều tất yếu. Tuy nhiên, hệ thống sân golf tại các vùng của Việt Nam hiện nay còn phân tán, chưa thành một chuỗi, lại cách trở giao thông. Thông thường, người chơi golf sẽ chấp nhận di chuyển tới sân golf bằng đường bộ trong phạm vi 1 – 2 giờ chạy xe ô tô. Quá 2 giờ chạy xe, họ thường ngại di chuyển, bởi mỗi trận golf 18 hố trung bình “ngốn” 4 – 5 giờ, sẽ không kịp để người chơi đi về trong ngày. Vì vậy, những sân golf ở quá xa thành phố lớn (như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM) thường rất ít khách và dễ rơi vào tình trạng thua lỗ - xét riêng trên hoạt động khai thác sân golf.
Nếu như hạ tầng giao thông tốt, nhất là có cao tốc kết nối, thuận tiện di chuyển thì các sân golf ở xa thành phố lớn cũng vẫn thu hút được lượng khách chơi thường xuyên, đảm bảo được doanh thu, lợi nhuận. Và như vậy, các dự án sân golf sẽ không phải “tính kế” đầu tư bất động sản (biệt thự, khách sạn, khu nghỉ dưỡng) để bù đắp doanh thu.
Chính vì gặp phải tình trạng vắng khách như trên, các sân golf phải đầu tư thêm bất động sản, dễ dẫn đến phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp với cư dân địa phương và khiến xã hội tăng thêm định kiến về việc lợi dụng làm sân golf để bán/cho thuê bất động sản.
Như vậy, hạ tầng giao thông chính là rào cản thứ hai cần phải giải quyết để giúp ngành golf phát triển một cách lành mạnh và bền vững.
Rào cản thứ ba là chính sách thuế. Có thể nói, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thu nhập của người dân ngày càng nâng cao, golf từ chỗ bị xem là “trò chơi quý tộc” đã và đang trở thành “môn thể thao đại chúng”. Bởi vậy, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động kinh doanh sân golf là điều cần được cân nhắc gỡ bỏ.
Thúc đẩy phong trào chơi golf để nâng tầm du lịch Việt
Golf là một trong những hoạt động quan trọng để thu hút du khách, nhất là du khách ở tầng cao, có thu nhập tốt và mức chi tiêu lớn, lưu trú dài ngày. Du lịch golf ở nhiều quốc gia là mũi nhọn, mang lại lợi nhuận khổng lồ.
Du lịch golf tại Việt Nam hiện còn sơ khai, do số lượng sân còn ít, chi phí chơi golf còn khá đắt so với thu nhập bình quân của người dân và so với các nước trong khu vực. Để đưa du lịch golf Việt Nam phát triển, ông Vũ cho rằng bên cạnh việc phát triển hệ thống sân, điều cần thiết là phải tạo ra phong trào chơi golf rộng rãi để gây dựng đội ngũ chơi chuyên nghiệp, tham gia các giải đấu lớn, gây dựng nên thương hiệu và đưa được các giải đấu quốc tế tầm cỡ về tổ chức tại Việt Nam.
Ở nhiều nước, phong trào chơi golf mạnh mẽ đến mức từ người già đến trẻ nhỏ đều cầm gậy golf “vụt” thường xuyên mỗi tuần. Golf đi vào nhà trường như các môn thể thao đại chúng, có học viện đào tạo, được chăm lo phát triển. Để có một huyền thoại Tiger Woods như hiện nay, phải có một cậu nhóc Tiger Woods cầm gậy golf từ năm 2 tuổi. Còn ở ta, đa số người chơi golf đều ở độ tuổi trung niên. Tuổi này cầm gậy golf chỉ để rèn luyện sức khỏe, giao lưu làm ăn chứ không thể thi đấu đỉnh cao được.
“Muốn Việt Nam trở thành điểm đến của golf thế giới, nâng tầm du lịch golf, việc gây dựng phong trào là bước đi không thể thiếu. Và việc đó cần thực hiện càng sớm càng tốt”, ông Vũ nhận xét.
Nguồn: VietnamFinance.
Comentarios