Thưa ông, thời gian vừa qua thị trường tài chính xảy ra nhiều vụ việc doanh nghiệp đăng ký vốn khống, tăng vốn ảo, đăng ký thành lập nhưng không hoạt động mà chủ yếu hợp thức hóa dòng tiền trong hệ sinh thái, sau đó phát hành giấy tờ có giá… Nhiều cổ phiếu rác của các doanh nghiệp rỗng ruột vẫn ung dung lên sàn, thậm chí còn lọt rổ chỉ số VN30 như trường hợp cổ phiếu ROS. Nếu là nhà đầu tư trót mua phải cổ phiếu rác, ông sẽ nói gì?
Trên thực tế, không chỉ doanh nghiệp lên sàn mà nhiều doanh nghiệp không niêm yết cũng đăng ký vốn khống, nâng vốn ảo. Thế nhưng, với doanh nghiệp trên sàn chứng khoán thì phải nhìn dưới góc độ khác, bởi vì họ được giám sát rất chặt chẽ bởi các thể chế của thị trường chứng khoán, bao gồm nhiều chế định pháp luật khác nhau, các cơ quan giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Giới quan sát và nhà đầu tư quan ngại không phải về một trường hợp cụ thể của ROS mà sẽ nghi ngại về tính trung thực, chính xác của các thông tin về doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán…
Thậm chí, sau những vụ việc vừa qua, sẽ có nhiều nhà đầu tư băn khoăn liệu thể chế pháp luật chứng khoán có đáng tin cậy hay không? Có đủ nghiêm minh không?
Nếu tôi là một quỹ đầu tư hay nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp thì rõ ràng tôi đã hơi cả tin và không có điều tra, không kiểm tra chéo về các thông tin đã được công bố công khai. Đây là điều tôi phải rút kinh nghiệm đầu tiên.
Tiếp đến, tôi phải đi tìm các công cụ pháp lý để bảo vệ tài sản của tôi một cách tốt nhất, tức là khôi phục lại tình trạng thật của các giao dịch. Tôi sẽ phải yêu cầu các bên sửa sai, khắc phục những hậu quả mà tôi phải gánh chịu nếu có cả về vật chất, tài sản lẫn uy tín..
Đầu tiên là trách nhiệm của các doanh nghiệp công bố thông tin không trung thực. Sau đó là các chủ thể phải chịu trách nhiệm liên đới, tức là cơ quan giám sát. Bởi lẽ, những báo cáo của công ty, nhất là công ty niêm yết đều được giám sát bởi các cơ quan chức năng. Vậy thì tôi cũng yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc trong trường hợp này để chia sẻ trách nhiệm, rủi ro. Khi tôi là quỹ đầu tư, thiệt hại mà chúng tôi phải chịu cũng là thiệt hại cho công chúng.
Sau nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra trên thị trường tài chính, có vẻ như đang tồn tại cách tiếp cận về quản lý vốn của doanh nghiệp rằng: vốn lớn thì doanh nghiệp sẽ hoành tráng và uy tín, do đó sẽ được lựa chọn mời đầu tư. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng chúng ta phải xác định lại tiêu chí đánh giá doanh nghiệp. Đừng nhìn vào vốn. Phải phân biệt giữa vốn và tài sản. Doanh nghiệp có thể huy động vốn bất cứ lúc nào để làm một dự án cụ thể. Rất nhiều nhà quản lý của chúng ta, kể cả cơ quan quản lý nhà nước và các lãnh đạo doanh nghiệp vẫn đang nhầm lẫn khái niệm cơ bản này. Tôi đã từng tham gia đàm phán dự án vài tỷ USD có vốn nước ngoài. Đây là dự án có ưu đãi lớn về đầu tư. Vốn điều lệ họ đăng ký 1 tỷ USD nhưng họ nói là trong 2 năm đầu chỉ dự kiến giải ngân khoảng 50 triệu USD thôi…
Phía Việt Nam, tất cả mọi người đều thất vọng. Trong khi luật của chúng ta quy định là trong 90 ngày phải bỏ đầy đủ 1 tỷ USD thì họ thắc mắc tại sao chúng tôi phải bỏ nhiều như vậy trong khi đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án?
Hiện, Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp phải góp đủ vốn trong 90 ngày nhằm ngăn chặn tình trạng góp vốn ảo. Động cơ ấy là đúng. Tuy nhiên, nó không phản ánh đúng quan hệ kinh doanh. Trong kinh doanh, tài sản quan trọng hơn vốn. Tài sản thì không chỉ vật lý thông thường, mà còn bao gồm tài sản trí tuệ nữa.
Nếu tiếp cận theo hướng này, thì Luật phải điều chỉnh để huy động được sự tham gia của các tổ chức đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp, nhằm ngăn chặn việc đăng ký vốn khống, nâng vốn ảo.
Luật Doanh nghiệp phải có cách tiếp cận khác và phải đồng bộ với các dự án khác như Luật Đấu thầu chẳng hạn, nếu như chỉ chọn những doanh nghiệp có vốn đăng ký lớn thì chưa chắc đã tốt đâu.
Xem thêm: Nhu cầu đầu tư phát triển dự án căn hộ
Các chuyên gia cho rằng, những doanh nghiệp “ma”, “hình nộm” tự tung tự tác trong thời gian vừa qua, chắc chắn có sự tiếp tay của đội ngũ kế toán, kiểm toán độc lập. Theo ông, cần làm gì để ngăn chặn tình trạng này?
Tôi đang đặt ra câu hỏi rằng kiểm toán độc lập là những người chuyên nghiệp, họ tài giỏi rồi nhưng ai giám sát họ? Tôi nhớ đến vụ bê bối của Enron, một trong những tập đoàn năng lượng lớn nhất nước Mỹ năm 2001, họ đã cấu kết với 1 trong 5 công ty kiểm toán và kế toán lớn nhất thế giới là Arthur Andersen để qua mặt nhà đầu tư.
Qua vụ bê bối này, người ta phát hiện ra những kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp họ rất giỏi giấu thông tin…và cũng rất giỏi ngụy biện. Họ làm ra những báo cáo tài chính rất tinh vi. Họ diễn đạt ra những ngôn ngữ mà chỉ những người giỏi hơn họ mới hiểu được thôi. Những người giỏi mà không có người giỏi hơn giám sát thì họ tự tung tự tác. Tôi cho rằng các cơ quan hành chính nhà nước không giám sát được họ đâu. Thế thì phải có những cơ quan giám sát chuyên nghiệp có quyền lực công giám sát những đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính trung gian như kiểm toán, thẩm định giá, công ty chứng khoán…
Quyền lực là tôi yêu cầu anh cung cấp bất kỳ thông tin nào là anh cũng phải cung cấp và tôi có trách nhiệm bảo mật. Những cán bộ làm công việc đánh giá thông tin phải có kiến thức chuyên môn cao.
Hiện chúng ta có Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán…, nhưng đó là những quy định hành chính. Bộ Tài chính cũng là cơ quan hành chính thực thi quyền lực hành chính. Năng lực của những người thừa hành công vụ trong bộ máy nhà nước cũng chừng mực. Họ là những người bình thường được tuyển vào làm công chức, viên chức bình thường. Họ không phải là chuyên gia lão luyện trong nghề. Đến hạn rồi phải tuân thủ những quy chế của công chức, viên chức rồi họ cũng phải về hưu.
Lấy ví dụ như trong lĩnh vực tư pháp của chúng tôi thì một thẩm phán không thể giống một công chức bình thường của cơ quan tư pháp được. Thẩm phán là một người có chuyên môn cao, chuyên nghiệp và có quyền lực công.
Thị trường tài chính có 3 trụ cột chính liên quan rất chặt chẽ đến nhau là ngân hàng, thị trường chứng khoán và bảo hiểm. Đây là thị trường đặc biệt, phức tạp, có tính liên thông cao nên rủi ro hệ thống cũng lớn. Đó là lý do vì sao nó cần được giám sát bằng một tổ chức thống nhất, bởi những người có chuyên môn nghiệp vụ cao và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức.
Công khai, minh bạch là hết sức quan trọng để đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính; hạn chế các vụ thao túng, trục lợi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia “bắt bệnh” thị trường tài chính Việt Nam hiện nay là công khai nhưng thiếu minh bạch. Ông bình luận gì về vấn đề này?
Minh bạch tức là: đầu tiên phải công bố thông tin một cách công khai, đầy đủ; thứ hai là diễn đạt của các thông tin đó phải cho những ai tiếp cận đều hiểu được; thứ ba là cách thức công bố làm sao cho ai cũng tiếp cận được.
Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định những yêu cầu tối thiểu về công bố thông tin bằng các phương tiện như website doanh nghiệp, trên báo chí…
Song, với tư cách một chuyên gia, tôi vào các website công ty để tra về sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp lên sàn, tôi thấy đề mục thì đều có cả nhưng thông tin thì không đầy đủ, không cập nhật. Ngoài ra, những thông tin này không được diễn đạt một cách dễ hiểu, không phải ai đọc cũng hiểu được. Ngay cả tôi là một luật sư chuyên về doanh nghiệp, khi đọc tôi cũng phải đoán. Phải có kinh nghiệm mình mới hiểu, rút ra được kết luận hóa ra nó là như vậy.
Hiện nay, giám sát về công bố thông tin, minh bạch thông tin của chúng ta còn yếu. Khi doanh nghiệp công bố thông tin kiểu nửa vời như vậy, rất may có những tờ báo chuyên ngành như VnEconomy phát hiện ra, nêu câu hỏi, đặt ra vấn đề nghi ngờ. Khi đó doanh nghiệp mới giật mình, cải chính, bổ sung lại thông tin…tạo thành dư luận…thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Nhưng như thế thì quá muộn.
Chúng ta phải tạo ra một hệ sinh thái thông tin minh bạch, công khai để nhà đầu tư yên tâm... Thông tin phải giúp đánh giá, nhận định và đưa ra quyết định...
Minh bạch trên thị trường tài chính ở Việt Nam còn quá thấp, chưa đạt chuẩn.
Làm thế nào để đạt được các tiêu chuẩn như luật sư vừa đề cập?
Có nhiều biện pháp. Về pháp lý, nhiều cơ quan chức năng đang đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra rồi bổ sung các quy định, tuy nhiên, cần thay đổi nhận thức của chính những nhà quản trị doanh nghiệp.
Tiêu chí đánh giá doanh nghiệp thông qua quản trị ở Việt Nam chưa được coi trọng. Các nhà điều hành doanh nghiệp ở Việt Nam, chủ sở hữu doanh nghiệp cũng chưa coi trọng quản trị. Có những doanh nghiệp rất lớn ở Việt Nam, có đầy đủ ban bệ, hàng trăm, hàng ngàn nhân viên nhưng trợ lý lãnh đạo bảo rằng thực ra sếp tôi chỉ có một nhóm đặc nhiệm. Nhóm đó thường bao gồm vài người, đi theo sếp suốt ngày, có vấn đề gì là ra quyết định ngay thôi, không cần đi theo quy trình nội bộ là các phòng ban, chức năng. Như vậy, những ông chủ lớn ở các tập đoàn lớn cũng tự vô hiệu hóa bộ máy quản trị của mình.
Chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa tăng lên được thì tôi e rằng khó mà tăng tính minh bạch.
Các chủ thể đầu tư trên thị trường hiện nay khá đa dạng, trong đó nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ rất lớn. Điều này đáng mừng hay đáng lo và vì sao, thưa ông?
Cộng đồng nhà đầu tư không chuyên nghiệp ở Việt Nam rất lớn. Tôi rất ngạc nhiên là tỷ lệ nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Việt Nam lại cao như vậy. Theo tôi, Việt Nam cần có quy định pháp lý để các quỹ đầu tư được thành lập một cách dễ dàng hơn. Làm sao có nhiều quỹ đầu tư được thành lập, họ sẽ là các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các quỹ đó mới có năng lực, nguồn lực để giám sát doanh nghiệp chứ không phải các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Nguồn: VnEconomy.
תגובות